Sangu

LUẬT PHÁP & XÃ HỘI SÉC TỔNG HỢP

Tự nguyện hồi hương thường là con đường cuối cùng. (Dobrovolný návrat je mnohdy poslední cestou)13 min read

Th4 27, 2015 6 min

Tự nguyện hồi hương thường là con đường cuối cùng. (Dobrovolný návrat je mnohdy poslední cestou)13 min read

Reading Time: 6 minutes

Trần Văn Sang
tháng 1.2013

Nhiều lúc mình đúng là một thằng tốt bụng không đúng lúc, không đúng chỗ. Nhưng lần này, không tốt bụng làm sao được khi nhìn thấy người đồng hương của mình gần như sắp chết rét cóng trước cửa của sở cảnh sát ngoại kiều Praha.

Hôm nay như một ngày bình thường làm việc trong văn phòng Tổ chức di dân quốc tế (IOM). Mình đã hẹn một chú công nhân đi làm thủ tục hồi hương tại sở cảnh sát, và cũng đã có hẹn bạn bè buổi tối đi nghe Jazz và uống koktejl. Hầu như mình sẽ có một ngày thoải mái kết thúc với buổi tối vui vẻ…thậm chí có thể là xay xỉn.

Nhưng khi vừa đặt chân đến cửa sở cảnh sát ngoại kiều với chú công nhân đó thì đã nhìn thấy một anh công nhân Việt khác đang đứng co ro, mặt mũi đỏ hoe vì rét cóng, mắt lờ đờ vì đói khát. Nhìn tầm 25 tuổi, còn trẻ, đi giầy mùa hè tất mỏng, áo khoác chưa chắc thuộc loại thích hợp cho mùa đông giá rét âm độ, xách túi thể thao bẩn, chai nước trắng thò ra, hầu như cũng đã cạn. Ngay lập tức hai bà Tây gác cửa quay sang nói với mình “mày là người Việt à? hãy xin giúp tôi mang người này đi chỗ khác đi, ông này đướng ở đây mấy ngày rồi, chúng tôi không có chỗ để chứa ông ấy được đâu, anh cũng là đồng hương của nó mà, hãy làm gì đi!!”. Trong vị trí của tôi lúc đó người Việt khác sẽ thấy mình xấu hổ, thậm chí còn coi như cá nhân mình đã bị xúc phạm. Nhưng tôi là người làm trong nhân đạo, lo vấn đề di dân, hồi hương nên tôi thỉnh thoảng hay gặp những tình huống tương tự như thế này. Nhưng hôm nay, sao tôi lại thấy bỗng dưng mình thương xót cho anh công nhân đó thế, dù chưa hề biết quê quán, họ tên tuổi của anh ta. Hầu như trong lúc đó tôi đã gần như hiểu hết nghĩa của câu nói mà ai cũng thích nói nhưng ít khi làm được theo chính tâm của bản thân mình…“Lá lành đùm lá rách.”

Tôi đi gần về phía anh công nhân đó. Hỏi anh làm gì ở đây và cần giấy tờ gì?. Hầu như anh ta nói không ra một lời nói chọn vẹn, mồm đã cứng vì cái rét đột ngột tại Praha. Sau một lúc đàm thoại khó khăn tôi mới biết vài thông tin là anh này đã có thị thực trục xuất tại sở cảnh sát này cấp cho, nhưng không có người quen để ở nhờ, đang định làm giấy Thông hành để xin tự nguyện hồi hương miễn phí của tổ chức nơi tôi đang làm. Vấn đề ở đây là anh ta không có tiền, không đủ 1000 Kuron để làm giấy Thông hành tại Đại Sứ Quán Việt Nam. Thực ra tổ chức chúng tôi có thể cấp kinh phí cho người tự nguyện hồi hương về việc lo giấy giờ như giấy Thông hành, nhưng hiện tại đang gặp chút giắc rối trong hợp đồng dự án nên không thể chi cho được. Anh ta nói rằng phải chờ người nhà gửi chút tiền sang thì mới đi làm giấy tờ được.

“Nhưng đến lúc đó anh định ở đâu, ăn gì?” Tôi đặt ra cho anh câu hỏi đó như là thừa hơi ấy, bởi vì cũng biết rõ anh ta sẽ trả lời như thế nào rồi.
“Anh cũng không biết nữa,anh không có gì trên Praha cả, mà trong túi chỉ còn bằng này thôi.”
Anh ta sọc bàn tay đỏ hoét đi gang tay thủng lỗ vào túi quần và mò ra được vài đồng xu. Tôi tính loáng thoáng anh ta chỉ có nhiều nhất là ba chục Korun.
“Lần trước anh đi xe không vé bị bắt mấy lần, nó phạt anh chục nghìn nhưng anh chưa có tiền trả.”

Hầu như trong lúc đó tôi đang quên đi hiện tại, quên đi tôi là ai, đến chỗ này làm gì, có những gì trong cuộc sống để đứng nghe những lời nói nặng nề đó. Mà đối với tôi trong trường hợp này những lời nói ít ỏi của một người công nhân xa gia đình, vay nợ nặng lãi sang đây làm việc vất vả một mình khắp nơi bất cứ việc gì, lương nào, thì những lời nói đó nó nghe rất nặng nề, như những tảng đá đang rơi xuống và vùi kín cả cái hy vọng cuối cùng của một con người đang bất lực ở một xứ người nước lạ.

“Thôi được rồi, em xong việc ở đây thì em sẽ dẫn anh về tổ chức của em rồi em sẽ tìm cho anh chỗ ngủ qua đêm của các tổ chức phi chính phủ khác, anh không được ở đây nữa đâu, họ đang đuổi anh đấy.” Trong lúc tôi nói ra những lời này, thì tôi cũng đã biết mình có thể làm được gì để người này sống xót được qua đêm nay, đêm thời tiết mùa đông âm chục độ.

Khi đi đến gần cửa xuống hầm đi Metro, bỗng dưng anh ta dừng lại lẩm bẩm:
“Không được vào đây đâu, vào là nó bắt, nó không cho đi đâu, không không.”
Trời ơi, tôi tưởng tượng như là đang nghe thấy những lời nói sợ hãi của một con heo đang phải chui vào hang cọp không bằng.

“Anh đừng sợ, có sao đâu, họ biết anh là ai đâu, đi đi, em mua cho anh cái vé là được rồi.”Lại một lần nữa tôi phải gỡ bớt những mảnh đá nặng nề đang đè lên sự bất lực của anh ta. Mà thậm chí định đi qua đường mà đang là đèn đỏ anh ta cũng lẩm bẩm rằng bây giờ đi qua là nó phạt đấy, phạt nhiều lắm. Trời, chắc anh này bị phạt lên bờ xuông ruộng rồi đây… Vào trong tổ chức tôi ngay lập tức gọi điện thoại cho tổ chức phi chính phủ có nhà chứa những người không có nơi lưng tựa, và sau đó biết là họ thả các đối tượng vào nghỉ từ 7 giờ tối đến 8 giờ sáng, có xuất ăn sáng, với vé vào qua đêm là 20 Korun. Nhưng khi quay ra hỏi đồng nghiệp liệu kinh phí đó có thể trợ giúp được không, thì câu trả lời bỗng dưng lại là “không”. Đề án chưa được chấp thuận, nên tháng này chư có kinh phí hỗ trợ ăn ở cho người muốn nhập vào chương trình tự nguyện hồi hương. Sau lúc đó tôi chả nghĩ gì nữa, tự động ra chỗ treo áo phao và rút ví tiền ra, mò ra vài trăm Korun, kẹp vào giấy ghi cùng địa chỉ nhà nghỉ và mang ra đút vào tay anh ta.

“Đây là địa chỉ nơi có nhà nghỉ đấy, anh đến đấy xếp hàng sớm để còn có giường mà nằm, và anh nhận vài chăm này mà trả tiền ở và mua cái gì mà ăn đi.” Tôi vừa nói vừa vo vo vài tờ tiền vào đôi bàn tay vẫn còn đỏ hoe của anh ta. Chắc ai đọc bài này ai cũng sẽ nghĩ là anh ta ríu rít cảm ơn tôi, gật đầu gật cổ. Nhưng thực tế là không, anh ta có dơ bàn tay ra nhận, nhưng mắt anh ta không dám nhìn tôi như lần trước khi gặp nữa. Có thể anh ta xấu hổ, trong lúc đó mất lòng tự trọng nặng nề, như là người ăn xin…nhưng anh ta đang cần từng xu, từng sự thông cảm và giúp đỡ. Tôi cũng không thể hiện sự thương xót gì, bởi vì như vậy anh ta sẽ thấy nhục nhã hơn. Tôi nói thêm để cho ta an tâm:

“Khi anh làm xong giấy Thông hành, anh hãy ngay lập tức liện hệ với em và em sẽ lo xuất hồi hương và vé máy bay cho anh nhanh nhất có thể, mà khéo vẫn kịp ăn tết nữa đấy hihi.”Cũng trong lúc đó như tôi, ai cũng nghĩ là Đại Sứ Quán nên cấp giấy Thông hành miễn phí cho những đối tượng muốn hồi hương như anh ta. Nhưng tôi trong nghề này biết điều đó là điều khó có thể xẩy ra.

Anh công nhân chia tay rồi đi. Sau đó tôi cũng ngồi lại văn phòng một lúc để suy nghẫm. Anh ta đã làm gì mà hết tiền? Có hút hít gì không? Hay là lười làm việc, ăn chơi, cờ bạc nên mới ra nông nỗi này? Liệu số tiền ít ỏi đó anh ta se dùng vào những gì mà tôi đã nói không?. Hm, lúc đó cũng không biết là tôi lo tiếp cho anh ta, hay là suy nghĩ lại và nhận thấy mình ngu là đã cho tiền không một ai đó, mà người đấy có thể đã lừa mình, sẽ mang tiền đi mua liều hút hít vv. Và một lúc sau, tôi mới hiểu rằng dù anh ta là ai, làm gì thì cũng không quan trọng. Cái quan trọng là lúc gặp người gần như chết cóng, tôi đã không suy nghĩ gì thêm và chỉ biết nghe tâm của mình. Thiệt thòi cho cái ví tiền một chút, còn hơn là sau này tổn thương lương tâm vì đã không giúp người trong khi chỉ có mình có thể giúp được. Thôi thì, cũng chỉ là vài trăm bạc, làm được việc tốt tôi vui rồi, ngủ ngon được rồi. Mà thậm chí còn vui hơn là khi đi nghe Jazz với bạn bè và uống linh tinh để tự hại ruột gan ấy chứ lỵ?!

Buổi tối đó tôi nằm trên giường nhìn ra cửa sổ, nhìn cảnh thời tiết giá lạnh kinh người và chỉ biết suy ngẫm. Cầm uống cốc sữa nóng, tôi chợt nhận ra và tự hỏi không biết còn bao nhiêu đồng hương của mình có hoàn cảnh tương tự như anh công nhân buổi sáng này đây. Ngay lúc đó tôi càng thấy hạnh phúc với nghề nghiệp mà tôi đang làm, dù tiền lương ít ỏi, và sặp đến ngày trả nájem rùi.

Array