Sangu

HỘI NHẬP KINH TẾ SÉC LUẬT EET

Thợ Nail: 5 điều cần làm trước khi vào EET.19 min read

Th10 10, 2017 10 min

Thợ Nail: 5 điều cần làm trước khi vào EET.19 min read

Reading Time: 10 minutes

Xin chào các thợ làm Nail,

từ năm sau những người làm NAIL cũng sẽ phải bước vào EET. Nhưng chắc chắn là sẽ không vất vả như những người bán hàng lẻ, nấu ăn hoặc bán potraviny. Dưới đây là 5 điều Sangu tư vấn những bạn làm NAIL nên làm trước khi rơi vào EET năm 2018. 

Đầu tiên hãy nắn chỉnh lại thông tin về EET năm 2018!

  1. Đợt EET lần 1 đã qua, là tháng 1.12.2016 khi những nhà hàng, hotel, restaurace phải gửi doanh thu trực tuyến.
  2. Đợt EET lần 2 cũng đã qua, là tháng 1.3.2017 khi những người buôn bán lẻ potraviny, đổ vải vv. cũng gửi doanh thu đi và rơi vào DPH, nên thủ tục thuế má từng tháng cũng rất phức tạp.
  3. Đợt EET lần 3 sẽ bắt đầu từ 1.3.2018, liên quan đến dịch vụ kế toán, luật sư, bác sĩ, nấu ăn mang theo sebou vv.
  4. Và đợt EET 4 cuối cùng sẽ rơi vào từ 1.6.2018, liên quan đến nghề cắt tóc, nối mi, mát-xa, chăm sóc đẹp, nail, thợ may,  sản xuất đồ gỗ vv.

Xong, mong rằng các bạn đã hiểu điều này rồi. Mình xin tiếp tục vào đề tài chính!

1. Thợ Nail phải làm hợp đồng “kiểu gì” với chủ tiệm?

Trong bài viết này, chúng ta hãy nói về 2 nhân vật chính. Đó là anh Thắng “chủ tiệm” và chị Lan nhân viên làm Nail.

Trong năm sau cả chủ tiệm, cả thợ làm Nail nên thống nhất hơn và đoàn kết hơn. Chứ đừng bảo thủ bất sự đồng kết. Sangu xin vẽ ra 1 mô hình sẽ giúp cả chủ tiệm, cả thợ làm Nail không bao giờ rơi vào DPH, và thuế thu nhập vẫn “bình thường”.

Mô hình này rất đơn giản: Ví dụ ông chủ tiệm Thắng đã thuê của ai đó tiệm, vậy anh Thắng có 1 hợp đồng nájem “thuê” tầm 20 000 Kč/tháng. Bây giờ anh Thắng đi xin chủ BĐS bổ sung vào hợp đồng nájem là anh Thắng có quyền cho người “thứ 3”- tức là thợ làm Nail thuê lại bàn tại tiệm ông Thắng. Như vậy ông Thắng sẽ oke nhất, bởi chi phí của ông ý là 20 000Kč/tháng, nhưng anh Thắng sẽ có thu nhập từ việc cho thuê lại bàn làm Nail. Ví dụ trong tiệm có 4 thợ làm, thì anh Thắng làm “HỢP ĐỒNG CHO THUÊ BÀI TRỌNG TIỆM” lại bàn giữa anh Thắng và thợ làm Nail (ví dụ chị Lan), với trị giá 6 000 Kč/tháng. Như vậy anh Thắng có chi phí 20 000 Kč/tháng, và thu nhập 4x 6000Kč/tháng là 24 000 Kč. Vậy thu nhập “phụ” từ việc cho thuê lại chỗ trong tiệm anh Thắng đã có 24 000 – 20 000 = 4000 Kč/tháng. Trong 1 năm anh Thắng sẽ trả thuế thu nhập “phụ” 15% (hoặc có thể làm thấp nữa =10-12%). Vậy là 4000×12 tháng = 48 000 Kč x 15% thuế = 7200 Kč. Nhưng anh Thắng nếu không có làm ăn ở đâu nữa, thì có thể áp dụng sleva từ thuế cuối năm hơn 24 000 Kč, vậy là anh Thắng sướng nhất, không phải trả đồng thuế nào cả, mà bảo hiểm y tế, xã hội không ảnh hưởng gì đến mức thu nhập phụ này cả. Anh Thắng cũng không phải lắp đặt EET gì cả, vì anh ý không ngồi làm Nail hay mát-xa chân cho cô Tây nào, nên không thu tiền. Anh ý chỉ kinh doanh trong lĩnh vực “thầu lại tiệm và cho thuê lại” mà thôi.

Vậy anh Thắng đã biết phải làm gì rồi nhé. Bây giờ là chị Lan. Chị Lan phải làm gì để có thể yên ổn ngồi trong tiệm làm Nail?:

  1. Chị Lan phải có hợp đồng thuê lại chỗ của anh Thắng với mình, 2 bên ký vào và mỗi người giữ 1 phiên bản, ký thuê lại bàn với mức “thấp thôi” cho anh Thắng có doanh thu ít,
  2. Chị Lan (mặc dù có Dlouho hay Trvalý) ra làm živnost giấy kinh doanh nghành dịch vụ Nail vv., chứ không ký bất cứ hợp đồng lao động nào với tiệm của anh Thắng,
  3. Chị Lan phải ra phòng živnost đăng ký “provozovna”, địa điểm kinh doanh làm nghề Nail ở tiệm anh Thắng,
  4. Chị Lan phải dính tờ kopy giấy phép kinh doanh của mình (hoặc viết vài thông tin như họ tên, ičo, số ĐT lên 1 tờ giấy) và dính lên lên cửa của tiệm Nail, coi như là đã làm nghiệm vụ “đánh dấu” nơi kinh doanh,
  5. Chị Lan KHÔNG mua máy EET “riêng”, nhưng sẽ góp chung với những thợ Nail khác để mua 1 máy EET chung. Loại máy kasa EET đa năng này Trung tâm Sangu sẽ có và giới thiệu với giá rất ưu đãi!

Anh Thắng và chị Lan đã biết phải làm hợp đồng gì giữa nhau rồi nhé. Anh Thắng không nên làm hợp đồng lao động hoặc thoả thuận công việc với các thợ trong tiệm. Bởi như vậy thì doanh thu sẽ dồn hết vào ičo anh Thắng, và chuyện rơi vào DPH là không tránh được. Chị Lan, cũng như thợ khác sẽ tự gửi doanh thu lên EET. Bạn hãy đọc tiếp phần 2.

Công ty STT REALITY môi giới mở tiệm Nail tại các khu siêu thị Séc.

2. Ai gửi doanh thu lên EET?

Chủ tiệm hay người làm Nail?

Đây là vấn đề chính của bài viết này.

Trong một mô hình lý tưởng thì người chủ tiệm, anh Thắng sẽ chỉ có thu nhập từ việc cho thuê lại bàn làm Nail ở tiệm. Những thợ làm Nail như chị Lan thì lại phải làm giấy kinh doanh živnost nghề Nail. Bởi vậy, người thu tiền của khách sẽ là thợ, chị Lan, chứ anh Thắng không thu, nên cũng không mắc EET. Vậy nên theo lý thuyết, các thợ làm Nail sẽ có máy bấm gửi doanh thu lên EET.

Việc phân chia doanh thu của 1 tiệm ra nhiều người có giấy tờ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ rất có ích. Tổng doanh thu của 1 tiệm sẽ không rơi vào thuế DPH. Mà nói thật nhé… các bạn làm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp mà rơi vào DPH là lỗ luôn 21% (DPH dịch vụ). Bởi nếu nói về đầu vào, thì sơn móng tay, máy bào móng tay vv. trong 1 năm mua rất ít. Một thợ chỉ cần đầu tư ra 50 000 Kč/năm đã thu lại được khá nhiều rồi, nên cũng sẽ lãi cao. Vậy nếu anh Thắng không bao giờ rơi vào DPH, và 6 thợ làm Nail tại tiệm của anh ý cũng không rơi vào DPH (vì doanh thu 12 tháng liên tiếp từ Nail không vượt quá 1 000 000 Kč) thì sẽ là điều ai cũng muốn. Nếu mỗi một thợ trong tiệm gửi lên EET dưới 1000 000 Kč trong 12 tháng, thì không ai trong tiệm phải trả DPH cả.

Vậy nên 6 thợ trong tiệm sẽ mua chung 1 máy kasa đăng ký 6 tài khoản EET và gửi đi. Trên tài khoản EET của mỗi người sẽ tính riêng dưới 6 ičo. Còn chủ tiệm “anh Thắng” không phải đăng ký EET làm gì cả. Doanh thu từ việc cho thuê lại chỗ “cố” làm thu nhập phụ. 

3. Thợ Nail sẽ trả bao nhiêu thuế thu nhập cuối năm?

BH Y Tế và Xã Hội sẽ ra sao?

Tất nhiên sẽ rất thấp. Như bây giờ thôi… và cũng như những năm trước. 

Nếu người làm Nail có doanh thu 1 năm tầm 600 000 Kč từ việc kinh doanh của mình, thì chi phí đầu tư thực tế 1 năm của người thợ Nail cũng rất thấp, khoảng 50 000 Kč vật liệu. Ơ, thế thì lãi sạch là 550 000 Kč à ?

Ai lại đi khai thuế như vậy? Nhà nước hiểu rằng những ai kinh doanh dịch vụ (phiên dịch, luật sư, thợ Nail vv.) thì dùng “chất xám” là chính, chứ chi phí thực tế rất thấp. Vậy nên ai làm dịch vụ thì hay khai thuế chi phí định mức sẵn 60% (tối đa áp dụng được 600 000 Kč). Vì vậy người làm Nail khi đi mua thiết bị, son và hoá chất, thì cứ lấy hoá đơn thoải mái (để chứng minh nguồn gốc vật liệu). Nhưng cuối năm khi cộng tất cả chi phí phục vụ cho việc làm Nail vào, ví dụ chỉ là 50 000 Kč thôi, thì sẽ thà áp dụng 60% chi phí tự nhiêu còn cao hơn. Ví dụ doanh thu 1 năm của 1 thợ là 600 000 Kč x 60% = 360 000 Kč (được áp dụng như chi phí), phần 240 000 Kč còn lại coi như là lãi sạch. Nếu tính thuế, BH y tế và BH xã hội từ 240 000 Kč, thì cũng “rất bình thường”. Đấy là Sangu chưa tính bạn có thể trừ đi tiền Sleva thuế, tiền con vv. nữa đó.

Tóm lại là thợ nào có doanh thu làm Nail 1 năm tầm 600 000 Kč “gửi lên EET”, thì sống tốt. Nếu ai có sát 900 000 Kč gửi lên EET, thì cứ chuẩn bị là nộp Y tế và Xã hội cao hơn 1 chút so với những năm trước. Còn ai mà gửi lên hơn 1000 000 Kč, thì xin chúc mừng, bạn là người thợ giỏi… nhưng rơi vào DPH cũng hơi mệt và tốn kém tiền kế toán hàng tháng.

4. Thợ làm Nail có giấy tờ Dlouho hoặc Trvalý phải làm sao? 

Chúng ta hãy chia ra nhiều nhóm thợ có bằng làm nghề Nail. Bởi mỗi thể loại cư trú đều có điều kiện làm việc và kinh doanh riêng.

Nếu bạn có DLOUHO ĂN THEO hoặc DU HỌC: trên lý thuyết bạn có thể ký hợp đồng lao động với chủ tiệm Nail. Nhưng chúng ta đã nói rằng người thợ sẽ tự đi đăng ký živnost kinh doanh để không bị gom doanh thu cả tiệm vào 1 ičo. Mặc dù bạn đang ăn theo vợ/chồng thì cứ làm giấy kinh doanh vẫn ổn. Mức thuế không cao. Cái lợi thế ở đây là bảo hiểm y tế bạn mua cố định từ những hãng bảo hiểm tư nhân SLAVIA vv. Và bảo hiểm xã hội thì đo từ “tiền lãi” từ việc kinh doanh dịch vụ làm Nail thôi. Vậy nên mặc dù gửi doanh thu đi hết lên EET, thì cũng không bị ảnh hưởng gì cả. Cả năm có vài chăm, chưa đến 1 000 000 Kč được!

Nếu bạn có DLOUHO KINH DOANH: Trong trường hợp này bạn không được ký hợp đồng lao động nào cả. Vậy bạn sử dụng živnost kinh doanh dịch vụ làm Nail là oke nhất. Giữa bạn và người “chủ tiệm” chỉ có hợp đồng thuê lại chỗ/bàn làm Nail thôi. Chú ý rằng bạn sẽ phải có lãi từ việc kinh doanh để gia hạn giấy tờ. Nên không phải thi thoảng gửi lên EET vài chăm cho có lệ đâu. Một năm người DLOUHOU kinh doanh phải có ít nhất doanh thu 500 000 Kč gửi đi EET (trừ đi chi phí gì đó thì sẽ có lãi trên 200 000 Kč/năm). Đó là chỉ nói trong trường hợp người DLOUHO độc thân. Nếu có vợ con ăn theo, thì sẽ phải tính lãi bao nhiêu để nuôi cả hộ gia đình. Vậy nên hãy chú trọng vào việc gửi EET đi bao nhiêu để không bị quá lộ. Tốt nhất là gửi hết!

Nếu bạn có DLOUHO LAO ĐỘNG:  Hơi phức tạp giấy tờ. Bởi bạn đi làm cho chủ lao động (nhà máy vv.) thì sao mà có thời gian nữa mà làm Nail? Nhưng nếu bạn có hợp đồng lao động “ở một nơi” và có thể ra ngoài làm, thì không phức tạp gì. Một là bạn sẽ ký hợp đồng “thoả thuận công việc-brigáda” với chủ tiệm (trong lúc này chủ tiệm phải mắc EET vì bạn là công nhân của chủ tiệm, và người đó thu tiền dưới ičo của họ). Hai là bạn làm thêm giấy kinh doanh živnost, và coi như đi kinh doanh dịch vụ làm Nail thêm. Như vậy bạn sẽ ký hợp đồng thuê chỗ trong tiệm Nail, mua máy kasa EET cùng những thợ khác trọng tiệm, và cuối năm khai doanh thu làm thuế thu nhập cá thể.

Nếu bạn có TRVALÝ: Có một số bạn sau khi có Trvalý đã tự đi ngừng giấy živnost vì ngại đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng trong thời EET thì bạn nên làm lại giấy kinh doanh živnost. Cũng như mình vừa nói ở trên, người thợ không nên dồn hết doanh thu vào chủ tiệm. Bởi vậy ông chủ sẽ rơi vào DPH rất dễ. Nếu bạn có trvalý, thì chỉ cần mở lại živnost, ký hợp đồng thuê chỗ/bàn ở tiệm với người chủ. Doanh thu bạn nhận được bao nhiêu thì gửi lên EET qua kasa. Cuối năm lại làm thuế thu nhập như trên. 

Công ty Christrio chuyên cung cấp thiết bị và đồ nghề làm Nail khắp EU.

5. Làm Nail có nên thành lập công ty SRO?

Câu hỏi này mình nghe thấy thường xuyên. Hiện tại cũng có rất nhiều chủ tiệm Nail phải kinh doanh qua SRO, vì khi vào tiệm thì phải mua lại công ty của người ta mới thuê lại được địa điểm. Như vậy theo mô hình hiện tại, chủ tiệm phải khai thuế và ký hợp đồng với thợ làm Nail. 

Nhưng vấn đề ở đây là: chủ tiệm Nail có nên chuyển vào SRO trước khi có EET không?

Không nên! nếu bị chủ bất động sản ép, ra điều kiện, hoặc muốn làm mô hình lớn, có tiếng, thương hiệu vv. thì hãy đi tư vấn thuế cho kỹ, sau đó quyết định. Nhưng nếu là kiểu kinh doanh gia đình, thì không cần phải vào SRO. Nếu chủ tiệm vào SRO và ký hợp đồng thuê nhân viên làm Nail, thì sớm muộn gì sẽ đăng ký DPH, vì đạt hơn 1 000 000 Kč là cái chắc. Doanh thu của 4-6 thợ Nail gồm tổng vào thì trong vòng 12 tháng sẽ vượt 1 triệu thôi. 

Nếu chủ tiệm lập SRO làm Nail, thì phải có lý do:

  • có sự đầu tư cùng cổ đông nào đó, nên mọi thứ phải rõ rệt trong chi và thu,
  • chủ tiệm là người kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, nên sẽ cần để hoạt động Nail rơi vào DPH bởi có thể áp dụng và lấy lại thuế DPH, hoặc điều hoà lỗ và lãi giữa nhiều cơ sở khác nhau,
  • chủ tiệm muốn làm mô hình chuẩn, lấy danh tiếng và kết quả tốt của công ty và sau này tìm thuê tiệm ở siêu thị, hoặc đón người lao động từ Việt Nam sang vv.

Điều kết cuối cùng là: Làm Nail không cần thiết phải vào công ty. Những người làm Potraviny hoặc bán đồ vải mới phải vào. Nhưng nếu làm Nail hoặc những dịch vụ khác mà có ít chi phí thực tế, thì nên làm kinh doanh cá thể và cuối năm tính chi phí định mức 60% sẵn (tối đa 600 000 Kč).

Mình mong các bạn đã hiểu một số vấn đề về Nail và EET. Nếu các bạn có thêm câu hỏi gì thì hãy gọi hoặc viết vào Trung tâm Sangu. Mong rằng sang năm sau chúng ta sẽ có những cuộc gặp gỡ thực tế hơn.

 

Sangu.eu

ĐT: 774 523 789         SANGU@SANGU.EU        WWW.SANGU.EU