„cháu ơi chả có đâu sướng hơn ở Séc cả, làm ăn thuận lợi, y tế tốt, an sinh xã hội ổn định, đồ ăn sạch, người dân cởi mở, an ninh quá tốt và sống thoải mái, vậy đi còn đâu cho mệt“.
Xin chào các bạn, tôi sinh năm 1985 và là người con trai thứ ba trong gia đình, nên nhà tôi cũng được coi là tam nam bất phú. Vì vậy bố tôi đã quyết định đặt tên cho tôi là Trần Văn Sang. Bố tôi tin rằng sau này tôi sẽ „giàu sang, sang trọng, và nhất là được sang Tây như bố“. Và chuyện đó cũng xảy ra khi tôi lên 10 tuổi. Bố tôi là cán bộ Tổng cục dạy nghề được cử đi công tác và quản sinh tại Tiệp Khắc những năm 80. Năm 1995 bố tôi đã kết thúc hợp đồng làm việc tại công ty ČKD và quyết định ra ngoài kinh doanh như đa số người Việt hồi đó. Tôi thì đang học dở lớp 3, đột nhiên phải tạm biệt tất cả để sang CH Séc cùng mẹ đoàn tụ gia đình.
Vì tôi đã học được qua lớp 3, nên tiếng Việt cũng khá tốt. Bố mẹ tôi luôn rèn luyện tiếng Việt và bắt tôi đọc báo to để cả nhà nghe. Hồi đầu tôi đã mất 3 năm học tiếng Séc để có thể lấy bẳng điểm trong trường. Trong thời gian đó điều mà làm tôi khó chịu nhất là phải đi cùng bố lo liệu giấy tờ cư trú, ủy ban, giấy phép vv. Nhiều lúc không biết từ vựng nên đã bị bố mắng. Ngoài ra bố tôi cũng bắt tôi đi phiên dịch giúp cho người quen tại thành phố Most, nơi gia đình tôi sinh sống. Ngay từ hồi đó tôi đã bắt đầu tiếp cận với công việc định mệnh của mình.
Sau khi lấy bằng tốt nghiệp (năm 2011) thì ai cũng xông đi tìm việc làm, nhất là lên Praha. Từ khi tôi sang CH Séc thì chỉ sống ở thành phố nhỏ, chưa biết thủ đô Praha là gì nên đã quyết định lên thàng phố lớn kiếm việc làm. Cuối cùng tôi không được sự đồng thuận của bố mẹ vì không có người thân trên Prahanên tôi đã tìm việc làm thêm và đi xe buýt lên làm rồi tối lại về.
Công việc đầu tiên mà tôi đã xin làm là đi phiên dịch cho các nhân viên của một tổ chức nhân đạo tại quận Praha 9 và 14. Thực ra đây là công việc dễ nhất mà tôi có thể làm vì hồi bé tôi cũng làm suốt. Nhưng hồi đó có rất ít người phiên dịch hiểu 2 thứ tiếng trẻ, nên các tổ chức đó đã chia sẻ liên hệ với tôi để mời làm trong những dự án khác. Thực ra trong những năm đó Liên minh EU tài chợ rất nhiều tiền vào các dự án hội nhập cho CH Séc để ổn định tình trạng xã hội. Khi tưởng tượng là CH Séc có 10,5 triệu dân, mà khoảng 450 000 người trong số đó là người ngoại quốc, thì người Séc nào chả sợ bị mất nước.
Trong 4 năm nay tôi đã đi học hỏi và làm việc trong dự án cho hơn 5 tổ chức khắp Praha, chưa tính các cơ quan hành chính CH Séc. Công việc của tôi là phiên dịch, dịch thuật, đi kèm và tư vấn cho người Việt Nam khi có vấn đề nhưng không đủ tiền để thuê dịch vụ hoặc luật sư giải quyết. Tóm lại là tôi thường gặp những người có vấn đề cư trú, và nhiều khi muốn đưa ra biện pháp giải quyết thì cũng không còn được nhiều hướng nữa. Nhiều khi cũng kết thúc qua chương trình tự nguyện hồi hương.
Dù công việc đang làm tốt, nhưng sau 4 năm thì cũng đã bắt đầu thấy mình cần sự ổn định trong cuộc sống kinh tế và gia đình. Đồng lương làm trong nghành hội nhập cũng chỉ đủ nuôi bản thân.Và nếu đi làm nghề dịch vụ thì sẽ không còn thời gian nghĩ đến đường hướng đổi mới. Nhưng nhiều khi nghĩ rằng sao mình lại tự bỏ ra đi từ một công việc khi vẫn chưa có kết quả nào để đáng tự hào?
Người Việt Nam (và cả các người ngoại quốc khác) đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để có thể sang CH Séc. Đa số đã gây lên sự nghiệp từ 2 bàn tay trắng và ổn định cuộc sống gia đình. Theo tôi thấy thì người Séc rất hâm mộ người Việt vì chăm chỉ làm ăn, con cái học giỏi vv. Về phía người Việt thì CH Séc đã trở thành quê hương thứ hai, chứ không còn chỉ là một đất nước tạm sống để làm ra tiền rồi hồi hương. Nếu ai ở đây lâu lâu thì cũng đã bị nhiễm sự „yên ổn và thanh bình“ của cuộc sống của người Séc rồi.
Nhiều khi tôi rất ngỡ ngàng khi tiếp xúc với người Việt Nam có gia đình ổn địnhở đây, vì nhận xét rất tích cực của họ. Có một lần tôi giúp người quen đi làm visa, trong lúc chờ đợi cô ấy tâm sự „cháu ơi chả có đâu sướng hơn ở Séc cả, làm ăn thuận lợi, y tế tốt, an sinh xã hội ổn định, đồ ăn sạch, người dân cởi mở, an ninh quá tốt và sống thoải mái, vậy đi còn đâu cho mệt“.Nhưng quan trọng hơn nhất là điềuước của cô nói ra: „giá mà cô học được tiếng Séc tốt, hội nhập xã hội tốt, thì cũng không phải ngồi cả ngày nhớ về quê hương, mà ra ngoài đời tiếp xúc, đi chơi du lịch với con cái, tìm hiểu cơ hội làm ăn với người Séc để phát triển kinh doanh chứ không suy nghĩ trong phạm vi cộng đồng, tìm hiểu luật pháp để có cảm giác tự tin hơn trong các tình huống hàng ngày hoặc tự đi chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình“. Tôi tin rằng đó không phải là điều ước riêng của cô, nhưng cũng là sự mong muốn của hàng chục nghìn người Việt đang sinh sống ổn định tại CH Séc. Việc quay trở lại Việt Nam sinh sống và xây dựng sự nghiệp từ đầu không hề dễ dàng.
Không chỉ là người Việt muốn tự tin hơn để trở thành bộ phận của xã hội Séc nơi mình đang sinh sống. Cả người Séc cũng có những nhận xét rất tịch cực về chúng ta. Có nhiều lần tôi đi giảng về thói quen của người Việt Nam cho các nhân viên cơ quan hành chính của Séc nghe.Khi đó họ cũng chỉ là bao người Séc khác, cũng hay gặp gỡ người Việt Nam tại công sở, ngoài đời thì đi mua hàng ở Potraviny và làm móng tay vv, nhưng thực ra ngoài những việc đó họ không hề biết gì thêm cả. Mỗi khi tôi bắt đầu giảng thì đã nhận được hàng chục câu hỏi, mà lần nào cũng na ná giống nhau. Người Séc hay tò mò: „vì sao người Việt sống ở đây lâu mà không biết tiếng Séc? Họ giáo dục con cái trong gia đình như sao? Lịch sửcủa Việt Nam như thế nào? Học tiếng Việt có khó không? Trong thời gian rảnh thì người Việt hay làm gì và có sở thích gì không? Người Việt thích ăn nhất món gì của ẩm thực Séc? Tại sao có người có móng tay út dàiiii?“. Trả lời khéo léo xong những câu hỏi đó, tôi thấy người Séc thực ra rất muốn cởi mở để đón nhận nền văn hóa mới vào xã hội của họ. Có nhiều người cũng muốn có được cuộc sống „kiểu Việt Nam“ như vậy để tích cực vươn lên hơn trong cuộc sống.
Vấn đề mà tôi quan tâm nhiều hơn, là thế hệ trẻ của người Việt tại Séc. Có thể nói là những tâm sự của họ đã cho tôi cảm hứng tiếp tục trong công việc này. Khi nói chuyện với giới trẻ, tôi thường nghe đến câu „em không hiểu bố mẹ mình nghĩ gì, tại sao không biết khen em khi em làm đúng và học giỏi, tại sao em không thể nói chuyện cởi mở với bố mẹ như những bạn Tây khác, tại sao em không được học và làm những gì mình thích, tại sao bố mẹ so sánh sự thành công của con cái nhà khác với em, chắc là họ yêu quý nó hơn em à?“.
Sau những lần tiếp xúc với các thế hệ người Việt và người Séc, tôi nhận ra là các phía rất muốn tìm hiểu rõ hơn về nhau, không những là về văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, mà là cả những điều nhỏ nhoi nhất trong sinh hoạt hàng ngày.
Vì vậy tôi đã quyết định thành lập trang web WWW.SANGU.EU. Với niềm tin rằng bản thân tôi cùng với các bạn trẻ sẽ có thể xây dựng lên một giá trị mới trên mạng để kết nối mọi người qua những lời chia sẻ kinh nhiệm, tâm sự, và nhất là các VIDEO học tiếng Séc/Việt, tư vấn luật pháp, y tế,bàn luận về tình hình chính sách di cư, quảng bá văn hóa ẩm thực và thói quen của hai bên vv. Nếu đi theo con đường internet này, thì chúng tôi có thể mang thông tin và ý nghĩ đến với mọi người khắp nơi, dù là ở Việt Nam hay CH Séc. Ngược lại, dù bạn ở đâu cũng có thể đóng góp ý kiến với chúng tôi, để có thêm nhiều đề tài bàn luận.
„Thực ra, ai cũng rất muốn tâm sự về cuộc sống ở Tây của mình, những cản trở, vấn đề và niềm vui khi sinh sống trên xứ người. Chúng tôi không chỉ muốn lắng nghe câu chuyện của bạn, mà còn sẽ gợi ý tốt, để cuộc sống của bạn có nhiều ý nghĩa hơn trên miền đất quê hương thứ hai này.“
Trần Văn Sang và nhóm bạn trên WWW.SANGU.EU
Các bạn có câu hỏi liên quan đến luật pháp, kinh tế, học tiếng Séc?
Hoặc muốn hợp tác mở rộng đề tài “Hội nhập và bẳn sắc của người Việt tại CH Séc”? Hãy liên hệ và tôi sẽ trả lời các bạn.
Ing. Trần Văn Sang.
https://www.facebook.com/sangucius
E-mail: sangu@sangu.eu
ĐT: 774 523 789
Trung tâm hội nhập Sangu.eu
Václavské náměstí 62- Praha 1
TTTM Sapa, Praha 4